Việc sử dụng năng lượng Mặt trời đang trở nên ngày một phổ biến nhờ vào tính năng dễ khai thác và sản xuất của nguồn năng lượng này. Và Đức là một trong số những quốc gia đi đầu trong chiến lược hướng tới nguồn năng lượng sạch này trên thế giới.
Vào ngày này cách đây 10 năm, ngày 8/9/2004, Đức đã đưa vào sử dụng nhà máy điện năng lượng Mặt trời, được xem là lớn nhất thế giới vào thời điểm đó.
Nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời tại Espenhain, Leipzig, Đức.
Từ 3000 năm trước Công nguyên, con người đã biết sử dụng những viên đá thạch anh trong suốt để hội tụ ánh sáng mặt trời và tạo ra lửa. Đến năm 287 trước Công nguyên, nhà bác học Acsimet của Hy Lạp cũng đã sử dụng gương cầu để hội tụ ánh sáng mặt trời đốt cháy chiến thuyền của La Mã. Và đến năm 1883, Charles Fritts đã chế tạo ra viên pin năng lượng mặt trời đầu tiên, tuy nhiên với cấu tạo đơn giản, nó chỉ có hiệu suất 1%.
Còn ngày nay, năng lượng mặt trời đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại bởi đây là nguồn năng lượng vô hạn, giá thành thấp và không gây hại tới môi trường.
Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với vấn đề trái đất nóng lên và môi trường xuống cấp, thì việc tìm ra nguồn năng lượng mặt trời không gây ô nhiễm và sử dụng hiệu quả là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ thế giới mà chúng ta đang sống.
Đồng thời, phát triển gành công nghiệp sản xuất năng lượng mặt trời sẽ góp phần thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt.
Trong vòng 15 năm qua, điện mặt trời đã phát triển rất nhanh trên thế giới với tốc độ trung bình là 25%/năm.
Từ lâu, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng năng lượng mặt trời như một giải pháp thay thế những nguồn tài nguyên truyền thống. Và Đức là một trong những tiên phong và dành nhiều ưu đãi, trợ cấp của chính phủ để phát triển công nghiệp năng lượng mặt trời.
Ngày 8/9/2004, Đức đã đưa vào sử dụng nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời tại Espenhain, ngoại ô thành phố Leipzig. Trên diện tích rộng 21,6 ha, một thiết bị hấp thụ và chuyển hoá năng lượng mặt trời thành điện năng với 33.500 môđun đã được lắp đặt, có công suất 5 MW, có thể cung cấp đủ điện tiêu dùng cho khoảng 1.800 hộ gia đình.
Với việc vận hành nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời này, Đức đã giảm được lượng khí thải cácbonníc vào khí quyển mỗi năm là 3.700 tấn.
Sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima của Nhật Bản hồi tháng 3/2011, Đức lại là nước tiên phong khi quyết định đóng cửa 8 lò phản ứng hạt nhân và đặt ra mục tiêu sẽ đóng cửa hoàn toàn các nhà máy điện hạt nhân còn lại đến năm 2022 để tập trung phát triển năng lượng an toàn và bền vững hơn.
Với quyết tâm này, mới đây, vào tháng 5/2012, Đức đã lập kỷ lục sản xuất điện mặt trời nhiều nhất thế giới với 22 GW điện chỉ trong vài giờ đồng hồ, tương đương với lượng điện của 20 nhà máy điện hạt nhân.
Con số này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với quốc gia châu Âu này vì nó đáp ứng được 1/2 nhu cầu điện năng của cả nước, đồng thời giảm sự phụ thuộc đáng kể vào những nguồn năng lượng đang dần cạn kiệt cũng như điện hạt nhân. Đây cũng được xem là thành tựu vượt bậc của ngành năng lượng tái tạo Đức bởi năm 2011, nước này mới chỉ đạt công suất 14 GW điện mặt trời.
Người ta cho rằng, với tốc độ khai thác như hiện nay thì các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ gần như hết đi trong thế kỷ XXI. Vì vậy, tương lai năng lượng của thế giới không thể nằm ở những nguồn này, mà chính là năng lượng mặt trời.
Ngoài Đức, hiện nay một số nước tiên tiến khác như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Italia, Tây Ban Nha cũng đã rất chú trọng đầu tư vào điện mặt trời, với mục tiêu lắp đặt hệ thống điện mặt trời với công suất trên 1 GW. Thậm chí, Đan Mạch đã cam kết chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo (trong đó có điện mặt trời) vào năm 2050.
Trong khi đó, tại những vùng xa xôi hiểm trở như Amazon của Brazil, điện năng lượng mặt trời luôn chiếm vị trí hàng đầu. Và ngay tại Đông Nam Á, điện mặt trời ở Philippines cũng đã đảm bảo được cho nhu cầu sinh hoạt cho 400.000 người…
Tại Việt Nam, với điều kiện khí hậu nhiệt đới, tiềm năng về nguồn năng lượng mặt trời là rất lớn, tập trung tốt nhất ở các vùng từ Thừa Thiên Huế trở vào Nam; vùng Tây Bắc với các tỉnh như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai...; vùng Bắc Trung Bộ với các tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Tuy nhiên hiện chúng ta mới chỉ khai thác được khoảng 25% nguồn năng lượng này. Theo các nhà khoa học, Chương trình điện khí hóa nông thôn tại Việt Nam sẽ được đẩy nhanh nếu phát triển tốt việc sử dụng điện mặt trời.
Trong khi các nguồn năng lượng điện truyền thống đang cạn kiệt, giá thành cao, nguồn cung không ổn định thì việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời không chỉ góp phần cung ứng kịp nhu cầu năng lượng của xã hội mà còn giúp tiết kiện điện năng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Sưu tầm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét